Văn Hóa Ẩm Thực Của Người Miền Tây

Ẩm thực là tiếng dùng khái quát nói về việc ăn và uống. Văn hóa ẩm thực bao gồm cả cách chế biến, bày biện và thưởng thức từng món ăn, thức uống, từ đơn giản, đạm bạc đến cầu kỳ mỹ vị. Chung nhất là vậy, song khi nói đến văn hóa ẩm thực ở một vùng/miền nào đó thì nhất thiết phải nói lên “đặc điểm tình hình” mới có thể nêu được bản sắc văn hóa đặc trưng cụ thể của vùng/miền ấy. Ở Nam Bộ nói chung và miền Tây nói riêng đâu đâu cũng đất rộng sông dài, nơi nào cũng kinh rạch chằng chịt lại lắm lung, hồ, búng, láng…, không nơi nào không nhung nhúc cá, tôm, rắn, cua, rùa, ếch… đã vậy còn có cả rừng già, rừng thưa, đầy dẫy chim muông, thú to, thú nhỏ. Phía này thì “năm non bảy núi” trập trùng, không biết cơ man nào là “sơn hào”, còn phía nọ thì biển Đông, biển Tây, toàn là “hải vị”!

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2016

Thơm ngon ốc gạo Phú Đa Bến Tre

Nguồn: baocantho.com.vn
Cập nhật: 02/06/2014, 15:05:12
Người miền Tây hẳn không ai lạ với ốc gạo. Nhưng ngày nay, ốc gạo ít còn được bày bán ở lề đường quán cóc mà món ăn bình dân này lại xuất hiện tại những khu du lịch sinh thái, nhà hàng ở miền Tây. Thực khách muốn ăn ốc gạo Phú Đa đúng điệu, đúng chất, phải cất công đến xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

Chẳng hiểu sao cũng cùng là ốc gạo nhưng chỉ có ốc sống ở cồn Phú Đa mới thực sự hấp dẫn người sành ăn. Có người bảo rằng, đó là do cách chế biến, có người thì nói do môi trường… nhưng ai cũng phải công nhận rằng, nếu mang ốc gạo Phú Đa nuôi ở nơi khác thì thịt không trắng, vỏ không xanh và chất lượng thịt không ngon bằng ở chính “quê hương” của nó - trên dòng Cổ Chiên.


Ốc gạo Phú Đa đã nổi tiếng từ những năm 1950-1960. Người ta kháo nhau rằng, ốc gạo tháng năm là ngon nhất. Khi luộc chín, nó có một lớp mỡ trắng bao bọc phần thịt ngọt lịm. Nhiều con còn “mang”, ốc con nằm trong thịt, nhai sột soạt. Đúng là “người Phú Đa vừa khéo vừa khôn” như trong câu ca dao, họ nắm bắt nhanh nhu cầu thị trường, biến món ốc gạo thành nhiều món ăn để khuếch trương thương hiệu ốc Phú Đa, tạo sản phẩm riêng biệt cho du lịch địa phương. Ốc luộc sả là món thường tình, phổ biến. Ngoài ra còn có: ốc gạo Phú Đa um nước dừa, xào bơ, chiên tỏi, tiềm thuốc bắc, làm gỏi... Thậm chí, thịt ốc còn được làm nhân bánh xèo, bánh cuốn nóng. Kể ra, ốc gạo Phú Đa là nguyên liệu chế biến không dưới 20 món.

Tiếng lành đồn xa, hương vị thơm ngon tự nhiên của ốc gạo Phú Đa cộng với tài nghệ nấu nướng của người Phú Đa, món ốc xuất hiện dày đặc trên bàn ăn. Và mùng 5 tháng 5, đến huyện Chợ Lách, du khách đừng quên tìm thưởng thức món đặc sản địa phương này./. 

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2016

Nấm mối nướng lá cách





SGTT – Nấm mối thường mọc khi có những cơn mưa thất thường (chợt mưa, chợt nắng) làm cho không khí trở nên oi nồng, mặt đất hâm hấp nóng.
Hái nấm mối phải hái vào sáng sớm, lúc tờ mờ sương, nấm mới ngon, nếu để trưa nấm sẽ tàn. Cần lưu ý khi nhổ nấm phải nhẹ tay (khác với nấm rơm), để lấy được hết chân nấm, nếu nóng vội khi nhổ, nấm bị đứt chân, bán sẽ mất giá. Vào mùa, ở những gò có nhiều ổ mối, người dân có thể thu hoạch được vài ký nấm tươi. Nấm mối ngon, hiếm nên có giá trị trên thị trường. Ở vào thời điểm hiện nay, giá một ký nấm mối tươi ngang bằng với hai ký thịt heo.
Nấm mối chế biến thức ăn nào cũng ngon vì hương vị thơm ngọt, đậm đà của nó. Người ta thường chế biến những món ăn như: nấm mối xào cổ hũ dừa, xào nước cốt dừa, nấu canh giò heo, làm nhân bánh xèo… Nhưng cái món để lại nhiều hương vị nhất là món nấm mối nướng lá cách.
Nấm mối hái về, gọt bỏ phần chân nấm (phần dính đất), chẻ đôi và rửa bằng nước lạnh có pha chút muối vài lần để sát trùng. Gan heo, mỡ chài mua khoảng 200g (nhiều hay ít tuỳ theo số lượng thực khách), xắt thành từng miếng vừa đũa gắp. Hái vài nắm lá cách non rửa sạch để cuốn những thứ nêu trên. Sau khi ướp gia vị (muối, tiêu, bột ngọt…) vào gan cho vừa khẩu vị, xếp từng miếng nguyên liệu theo thứ tự: nấm mối, gan heo, mỡ chài…, và cuốn bên ngoài bằng miếng lá cách. Sau cùng, lấy từng cuốn cho vào gắp tre nướng. Để tránh lửa chín áp (lửa quá nóng không chín kịp bên trong), nên phủ thêm bên ngoài bằng một miếng lá chuối non xé nhỏ. Trong khi nướng, nhớ giữ nhiệt độ cho đều, và khi mặt dưới phần lá chuối cháy trèm trèm, trở phần trên xuống, cho đến khi hai mặt cháy đều nhau thì phần gan và nấm bên trong chín hẳn, gỡ phần lá cháy dở bên ngoài bỏ đi và xếp những cuốn nấm mối vào dĩa … Nhớ thêm một dĩa muối ớt (muối hột rang đâm với ớt hiểm xanh mới đúng điệu)!

Thứ Ba, 11 tháng 8, 2015

Cháo Cua Đồng

Nếu như người miền Bắc có món khoái khẩu bún riêu, canh riêu cua đồng ăn với cà pháo mắm tôm thì người Nam bộ có lẩu cháo cua đồng nhúng với năm thứ rau đồng quê.
Tự bao đời nay, các món ăn làm từ con cua đồng đã gắn liền với những thứ rất dân dã đồng quê. Với con cua đồng, người dân có thể chế biến nhiều món ăn ngon như: cua đồng rang me, cua đồng chiên giòn hay món bún riêu hoặc canh rau…
Ngày nay, cách thức dùng thịt cua đồng nấu lẩu kết hợp nhúng với nhiều loại rau xanh đã tạo cho món lẩu cháo cua đồng nét khác biệt riêng, tuy lạ lẫm nhưng rất gần gủi và đây đã trở thành món ăn khá thú vị.
Điệu nghệ hơn, đập vào lẩu vài hột vịt lộn; hoặc bò tái, cá lóc philê nhúng nóng trên lẩu, làm con cua đồng dân dã trở nên sang trọng và thêm ngon miệng. Cua đồng nấu với bí đao còn có tính thanh nhiệt.

Cua đồng phải còn sống, rửa sạch, bóc vỏ yếm, gỡ mai nạo lấy gạch cua trong mai để riêng; còn lại đưa vào cối giã nát hoặc xay thật nhuyễn, nếu lấy mai cua giã, nước dùng sẽ đen. Sau đó hoà cua xay với nước, khuấy lên rồi để thật lắng, gạn lấy nước cua, bỏ xác. Nấu nước cua này với ít muối trên lửa nhỏ cho đến khi chín, riêu cua sẽ kết tủa – đóng óc trâu từng miếng. Để làm lẩu cháo cua đồng phải nấu riêng nồi cháo với gạo rang hơi ửng vàng để hạt cháo không đổ nhựa làm đặc cái lẩu. Bốn người dùng, lượng cháo nấu chừng lưng nửa lon gạo là đủ, có thể nấu chung một ít đậu xanh cà.
Khi cháo chín mới đưa vào nồi lẩu cua đồng có nấm rơm, hành tím, tiêu, ngò, hành lá và nêm mắm muối cho vừa ăn. Gạch cua cũng xào riêng cho dậy thơm và đưa hết “tinh hoa” con cua vào lẩu. Điều quan yếu là cháo nhưng thật loãng, ngập nước dùng như lẩu để còn nhúng rau, bò tái, cá philê, trứng... Và đã là lẩu cháo thì không phải ăn kèm cơm – mì-bún. Nước lẩu thơm ngọt, đậm đà hương đồng nội cua đồng quê. Cùng với dĩa rau xanh mồng tơi, bồ ngót, rau đay, rau má và mướp hương, ăn tới đâu lặt dần vào lẩu tới đó – đủ thấy khoái vị.

Đặc trưng món lẩu cháo này dường như chỉ có ở các quán xá dọc quốc lộ 60 đoạn trong thành phố Bến Tre. Mặc dù con cua đồng có khắp nơi trên cả nước, ở những bờ ruộng lúa. Và mỗi nơi có những cách chế biến khác nhau như riêu cua đồng nấu rau tập tàng – mồng tơi, bồ ngót, rau diếp, đọt dền, lá mỏ quạ, lá bình bát dây, đọt ớt hiểm, mướp hương... Nơi thì canh riêu lại có ít gừng và ăn với rau chuối – thân cây chuối chát chưa trổ buồng thái mỏng. Nấu kiểu nào thì hương cua quê nhà, rau ráng quanh đồng cũng thơm ngọt.
Nơi thì làm chả cua đồng, lọc thịt cua ướp gia vị rồi giã nhuyễn cùng với ít thịt heo rồi bện miếng nhỏ đem chiên hay hấp. Cách chế tác khác là ram trứng gà: cua đồng bỏ yếm, mai, làm sạch, bẻ đôi; đem lăn qua bột nếp trộn lòng đỏ trứng gà rồi ram trên lửa nhỏ – ăn giòn rụm, thơm nức. Hay canh riêu cua đồng nấu với rau muống, khoai sọ cũng rất hợp khẩu nhờ khoai thơm dẻo.

Mua ngoài chợ đã thường, đi bắt cua đồng về xắn tay áo nêm nấu mới thú vị. Cua ở hang nằm theo chân bờ ruộng trong những lỗ tròn sâu chừng ba đến bốn tấc. Cua đực màu nâu hồng, một càng lớn, một càng nhỏ và lớn hơn cua cái màu vàng xỉn, hai càng đều nhau. Thường khi đều có nhưng cua không chắc lắm, ở miền Trung một tín hiệu khá chính xác là khi trời sắp mưa lụt, cỡ tháng chín âm lịch, cua bò lên bờ và sau một trận mưa là cua phổng phao, thịt chắc ngon hơn – đây là mùa bắt cua đồng.

Thứ Năm, 6 tháng 8, 2015

Cá Linh Mùa Nước Lũ

Như một quy luật đất trời, khi nước lũ ngập mấp mé thềm nhà, mấy bụi điên điển cặp hai bờ sông trổ bông vàng  rực rỡ, cũng là lúc mùa cá linh về đến. 
Hồi bà ngoại tôi còn sống, ngoại hay nói: “Ông trời thương dân nghèo, lũ lụt kéo về, không mần ăn gì được, ổng ban cho con cá linh, cái bông điên điển để quấy quá qua ngày…”
Lúc nhỏ, chiều chiều tôi hay lót tót theo chân ngoại, cắp cái rổ tre ra bờ sông, nơi có chiếc ghe của ông Hai Vạn đóng đáy chơi vơi giữa dòng, “hú” một cái, ông bơi xuồng con, mang cá linh vào tận bờ bán. Những con cá linh lấp lánh ánh bạc, nhảy soi sói, vừa được kéo lên, nằm chen chúc nhau trong một cái thau xâm xấp nước. Dân miền Tây sống tình nghĩa và hào phóng, cá lại nhiều vô kể nên ông Hai không bao giờ cân mà chỉ nhắm chừng, hốt mớ bán, vừa bán vừa cho.
Nếu chết, cá linh rất mau sình. Vì vậy, ngoại tôi tranh thủ ngồi ngay bờ sông, dùng tay móc hầu cá luôn. Trên đường về, sẵn tiện tấp vào mấy bụi điên điển, hái bông về nấu canh chua. Mùa này, màu xanh mơn mởn của lá điên điển nhường cho một màu vàng hoe của củ nghệ… Bông xâu chuỗi từng chùm, từng chùm… Tôi rất thích cái cảm giác chui vàobụi điên điển, hít thật sâu, tận hưởng trọn vẹn mùi hương nhè nhẹ, không lẫn lộn và không so sánh được với bất kỳ loài hoa nào được, mang hơi hướm hương đồng gió nội rất đặc trưng. Thỉnh thoảng có vài con cào cào nhảy ra, tôi nhanh tay bắt về làm “tù binh”, chơi vui suốt mấy ngày ròng.
Cá linh nấu canh chua bông điên điển cùng cơm mẻ còn gì bằng. Vị nhân nhẫn đăng đắng, ngòn ngọt của bông, béo ngậy của cá, vị chua đậm đà của cơm mẻ, cay cay của ớt, mùi thơm của ngò gai… hợp thành tô canh chua, rất đặc trưng của vùng sông nước Nam Bộ. Ngoài ra, cá linh còn có thể kho lạt, nêm thật nhiều hành, chấm kèm chuối chát, ăn với cơm nguội, gây một cảm giác ngây ngất không kém.
Cá linh đầu mùa lũ, gọi là cá linh non, thịt mềm, béo ngậy, có thể ăn cả xương. Cầm đôi đũa tre, gắp con cá linh khỏi tô canh chua đủ sắc vàng, xanh, đỏ…chấm vào dĩa nước mắm đồng dầm ớt hiểm, đưa lên miệng, mới thấm thía hết hương vị quê nhà. Nước mắm đồng cũng được ủ từ mùa cá linh trước. Những lúc đó, tôi có thể ăn cơm hết chén này đến chén khác, đến no căng bụng mới thôi.
Trong những buổi chiều chạng vạng, dưới ánh đèn dầu nhập nhoạng, cả nhà quây quần bên mâm cơm, trên bộ ván ngựa lên nước bóng lưỡng. Trong bữa ăn, ông ngoại tôi có thói quen nhâm nhi thêm một xị rượu đế. Ông ngoại tôi rất thích món canh chua bông điên điển, vì vậy ông hay uống rượu nhiều hơn mọi ngày. Uống ngà ngà say, thế nào ông cũng lấy hơi ca vài câu vọng cổ. Trước khi ca, ông luôn nói câu: “Ngày xưa tao nghèo, bà ngoại bây mê giọng ca của tao nên mới chịu cho cưới…”. Bà ngoại sượng sùng, cười móm mém: “Mắc dịch ông! Nói cho tụi nhỏ nghe để nó cười cho…”. Giọng ca ông trầm buồn như chính cuộc đời nhiều sóng gió của ông, hoà cùng tiếng côn trùng đã bắt đầu nỉ non ngoài hè, gây cho tôi một cảm giác xao xuyến, bình yên đến tận đáy lòng.
Sống ở Sài Gòn quanh năm, lâu lâu về thăm quê, những cảnh tôi vừa kể chỉ còn trong ký ức. Ánh đèn điện đã thay ánh đèn dầu, rượng đáy của ông Hai Vạn cũng không còn nữa, chỉ còn những áng lục bình trổ bông tím ngắt trôi lững lờ trên dòng sông xưa cũ. Cá linh bị đánh bắt nhiều quá, lũ lại không về, bây giờ đã khan hiếm, trở thành món đặc sản của các nhà hàng đắt đỏ. Những bụi điên điển gợi nhớ mấy con cào cào màu xanh đọt chuối, gắn liền tuổi thơ của tôi cũng đã bị người ta đốn bỏ. Ông bà ngoại của tôi cũng không còn nữa… Nhiều lúc them cảm giác được leo lên chót vót của ụ rơm, lộn nhào xuống như hồi trẻ thơ, để nhớ về một thời đầy ắp kỷ niệm.

Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015

Cá lòng tong trong ký ức

Một hôm đi chợ bắt gặp người bán cá lòng tong để trong thau, ký ức tuổi thơ trong tôi chợt hiện về. Tôi còn nhớ căn nhà sàn của ba má bấy giờ sát mé sông. Mỗi khi nước lớn dâng lên mấp mé sàn, các bạn trong xóm thường đến nhà tôi, ra lan can phía sau nhà để câu cá.

Trước khi câu, các bạn rải cám xuống nước để dẫn dụ lũ cá bu lại ăn. Lũ cá lòng tong, cá chốt, cá he… là loại cá háo ăn nhất nên nhanh nhẹn đớp mồi. Và ngay lúc ấy, chúng tôi mới bắt đầu móc mồi thả câu. Nhìn sợi dây câu căng thẳng, chiếc phao bị ghì xuống phía dưới mặt nước, thế là chúng tôi giật lia lịa không kịp nghỉ tay. Trong vài tiếng, cả bọn thu hoạch được cả ký cá (nhiều nhất là cá lòng tong). Nhìn những con cá lòng tong mình dài cỡ ngón tay trỏ, đuôi màu vàng nhạt, vảy lóng lánh bạc nhảy xoi xói trong thùng trông thật hấp dẫn.
Cá bắt được chúng tôi hùn nhau lại và nhờ má tôi chế biến món ăn. Có khi nhờ má làm món cá kho quẹt ăn với cháo trắng. Có khi để đỡ ngán, chúng tôi đề nghị má làm món cá muối chiên giòn và ăn với cơm, món này ăn cùng với canh bầu nấu tôm khô thì tuyệt.
Để làm món nầy, má chọn những con cá lòng tong còn tươi (nên nhớ, cá càng nhỏ càng ngon vì chiên giòn ăn luôn cả xương) làm sạch, để ra rổ cho ráo. Cho cá vào đĩa ướp gia vị (muối, bột ngọt, tiêu) cho vừa khẩu vị, để ngấm khoảng 15 phút. Bắc chảo lên bếp phi mỡ cho thơm rồi cho cá lòng tong vào chiên vàng 2 mặt, vớt ra là xong...


Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

Ba Khía Muối


Nhắc đến con ba khía, hẳn nhiều người vẫn chưa hình dung ra cụ thể đó là con gì và ăn như thế nào. Tuy nhiên, đối với người dân vùng sông nước phương Nam thì con ba khía lại rất đỗi thân quen và mắm ba khía là món ăn thú vị nhất trong các bữa cơm gia đình.
Khoảng cuối tháng 5 Âm lịch hàng năm, cư dân những vùng có trồng nhiều rừng đước như Cà Mau, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang... lại đi vào mùa khai thác ba khía. Loài giáp xác này cách bắt duy nhất là soi đèn vào ban đêm và phải chụp bằng tay. Theo người dân Đồng bằng sông Cửu Long, con ba khía thích đào hang ở những khu rừng rậm rạp, gần mé sông hoặc bãi biển, hàng đêm bò ra rủ nhau đi kiếm ăn. Đặc biệt là mùa mưa, vào những đêm tối trời, con ba khía sống bu đen những gốc đước, gốc dừa nước nên người ta có thể tha hồ mà bắt về muối thành mắm để dành ăn quanh năm.
Ba khía sau khi bắt xong, người dân sẽ xóc rửa cho sạch bùn đất rồi đổ vào lu, khạp có nước muối và đậy nắp kín lại. Từ khi muối cho đến lúc ăn được có thể 5-10 ngày. Chất lượng của ba khía phụ thuộc độ mặn của nước muối, bởi nếu nhạt quá thì ba khía sẽ hư nhưng mặn quá sẽ rụng càng, đen da, chát thịt... Ba khía muối chính là món ăn ăn mà hầu như không một người dân nào ở miền sông nước nào không biết đến, đặc biệt đây còn được xem là món khoái khẩu của nhiều người.
Người sành ăn ba khía muối cho rằng, ba khía muối mang trộn với chanh, tỏi, ớt, đường rồi ăn với cơm nguội thì mới đậm đà và đúng điệu. Bạn có thể ngậm từng cái que nhỏ, cắn vỡ càng, nhón lấy miếng thịt mềm, dịu, chan nước trộn ba khía mặn, ngọt, chua, cay vào cơm, rồi ăn trong lúc trời mưa thì quả là không gì có thể sánh bằng.

Ngày nay, nhiều nhà hàng, quán ăn đã biến tấu con ba khía thành nhiều món theo những cách riêng như ba khía rang me, rang mỡ hành, ba khía luộc, ba khía nấu chao…, nhưng chưa có thứ hương vị nào đi vào lòng người và rất đỗi thân quen với người dân miệt vườn như món ba khía muối. Chính mùi thơm đặc trưng cùng cái chất mằn mặn và beo béo của gạch ba khía thấm vào đầu lưỡi đã tạo nên một cảm giác thú vị khó tả, khó quên trong lòng mỗi người.

Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2015

Cá bống trứng miền sông hậu




Cuối tháng 6 âm lịch, nước sông Hậu dần nhuốm đỏ. Đứng trên cầu Cái Răng (Cần Thơ) nhìn xuống, ta thấy một dải nước đỏ như tấm lụa đào giữa hai làn nước bạc lấp lánh trong nắng.
Phải thêm nhiều ngày, nhiều tuần nữa, mưa già hơn, con nước đỏ mới nhuộm hết cả mặt sông, mới tiến sâu vào các kinh, rạch xa xôi. Bấy giờ, người ta gọi một cách chính danh: mùa nước son - mùa cá bống trứng.
Mới đầu mùa, các chợ đã thấy bày bán khá nhiều cá bống trứng. Những con cá nhỏ bằng ngón tay út, bụng căng cứng trứng vàng hượm, nổi rõ dưới làn da nâu nhạt, mỏng tang. Không lệ thuộc thời vụ, không cần đợi lúc nông nhàn, hớt cá bống trứng chỉ đợi con nước son đổ về, và thường hớt về đêm.
Chỉ cần một ngọn đèn chong, một chiếc xuồng tam bản và một cái rổ xúc là người ta “khoèo” dầm tách bến, tiến về phía mấy giề lục bình trôi. Và, mặt rổ cắt xéo góc 45 độ so với mặt nước, phía dưới bộ rễ lục bình. Vục sâu rổ vào, lật ngang, nhanh tay giở lên khỏi mặt nước. Gạt lục bình ra. Những con cá bống trứng lẫn tép bạc nhảy xoi xói trong lòng rổ.
Nhưng, đầu mùa, lượng cá bống trứng chẳng mùi mẽ gì so với “chính vụ”. Đó là rằm tháng tám âm lịch. Dưới ánh trăng sáng vằng vặc của đêm Trung thu, thường là dưới những cơn mưa rỉ rả, cá bống trứng ở đâu không biết, quần tụ, bám đầy rễ các giề lục bình làm ổ đẻ.
Với duy nhất một đêm “chính vụ”, dòng kinh, con rạch như đêm hội hoa đăng. Đèn chong chấp chới, lập lòe trên sông nước. Những cái rổ khi giở lên, lúc lại “chém” xuống nước khiến đêm thôn quê xao động.
Về nhà. Đổ cá ra, hớt mang, đuôi, làm sạch vảy bằng cách chà mớ cá trong chiếc rổ tre. Rửa sạch, cho vào ơ, kho khô, chế chút mỡ, rắc tiêu xay. Nồi cháo trắng chín nhừ trên bếp kế bên, sẵn tay cho vào thêm một ít tép bạc đã bóc vỏ. Nồi cháo mới ngon làm sao khi cắn một nửa con cá bống cứng săn trong răng. Bao nhiêu sức lực hao phí vừa qua, cái lạnh của đêm mưa dầm nhanh chóng biến mất...
Ở Bến Tre còn có món cá bống trứng kho sả. Cá kho bằng ơ đất, chế nước cốt dừa đặc sánh, béo ngậy, ăn cùng bắp chuối đập và đọt lục bình.

Cá rô bí chiên giòn mùa mưa đầu mùa

Vào những ngày này, nếu có dịp vào các chợ cá ở miền Tây, chúng ta sẽ bắt gặp những người bán cá rô non. Nhìn những con cá bé xíu cỡ ngón tay út, vảy màu xanh thẫm nhảy xoi xói trong thau, khiến tôi chợt nhớ về những kỷ niệm ngày xưa nơi quê nhà yêu dấu, khi những cơn mưa đầu mùa đến, bọn chúng tôi liền í ới rủ nhau vác thời đi bắt loại cá rô non này.

Cá rô là loài cá nước ngọt sống nơi ao hồ, đồng ruộng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hàng năm, khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu (khoảng tháng 4- 5 âm lịch), và các cánh đồng ngập xăm xắp nước thì lũ cá rô bố mẹ “vượt vũ môn” lên đồng để tìm kiếm thức ăn và duy trì nòi giống. Khoảng 2 tháng sau, khi cánh đồng ngập đầy nước, người dân lại điều chỉnh mực nước trong ruộng ra. Thế là, từng đàn cá rô non (còn gọi là rô bí, rô dăm), thân nhỏ xíu (dài cỡ 2 cm, ngang 1 cm) lại tìm đường “di cư” ra sông lớn.
Nắm được qui luật nêu trên, người dân tổ chức săn bắt loại cá rô non (*). Nếu chú ý quan sát nơi chân ruộng, chúng ta sẽ thấy từng đoàn thanh niên vai vác thời (**), tay xách thùng đi bắt cá. Chỉ cần đặt thời chỗ dòng nước xả nơi chân ruộng và chờ khoảng 1 tiếng dỡ thời lên thì được cả chén cá rô non. Trung bình trong một buổi, nếu trúng luồng, có thể thu hoạch khoảng 2 – 3 kg cá rất dễ dàng!...
Nhìn những con cá rô non màu đen xám, vãy xanh nhạt lấp lánh, nhảy xoi xói trong thùng trông thật ngon lành!. Cá rô non có 2 cách chế biến dân dã được mọi người ưa thích là: Chiên giòn (chiên xù), lăn bột chiên và kho sả ớt. Nhưng món ăn gây ấn tượng và được các “đấng mày râu” ưa thích nhất là: Cá rô non chiên giòn.
Trước hết, cá rô non đánh bắt được về (hay mua ở chợ) chọn cá còn tươi cho vào rổ. Lấy rơm khô (hoặc lá sả) chà xát vài lần với nước cho hết nhớt, rửa sạch để ra rổ cho ráo. Để nguyên con khi chế biến, (không cần đánh vảy, moi bỏ ruột, chặt bỏ đầu, đưôi gì cả, vì cá còn non, xương mềm). Tiếp đến, đổ dầu (mỡ) vào chảo thật nhiều, bắc lên bếp. Chờ mỡ sôi, thả cá vào ngập trong mỡ. Dùng xạng trở đều 2 mặt cá chín vàng, vớt ra dĩa. Cuối cùng, chuẩn bị một đĩa rau sống (rau thơm, dưa leo, cà chua, chuối chát, cải xà lách…), một đĩa bánh tráng nhúng, một dĩa bún, và làm một chén nước mắm chanh tỏi ớt là xong!

Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

Cháo cá lóc rau đắng đất


Món cháo cá lóc rau đắng được xem là món ăn dân dã, thơm ngon, và đậm chất.Rau đắng là loại rau đắng đất, được mọc tự nhiên trong vườn nhà. Nấm rơm còn nụ tươi, hành ngò, gừng tươi cắt lát mỏng, tiêu, ớt, chanh, giá… Đặc biệt món cháo cá miền Tây này còn để thêm tương ngọt và lạc rang giã nhỏ cho có nhiều vị thơm ngon.

Rau đắng đất không mọc trong vườn, cũng không thể trồng, chúng chỉ tự nhiên mọc lên ở những cánh đồng sau mùa thu họach (Thường từ tháng 12 đến tháng 3). Khi nhổ rau lên khỏi mặt đất, dù là ngâm trong nước, rau cũng sẽ héo nhanh sau đó, chỉ tươi độ vài tiếng đồng hồ. Thế là ngẫu nhiên, rau đắng đất như một món quà quê đỏng đảnh của thiên nhiên. Có lẽ cũng vì thế mà rau đắng đất chỉ thích hợp khi được chế biến chung với các loại cá đồng.


Rau đắng đất có bản chất đúng với cái tên của nó – ăn vào rất đắng, nhưng tính lại rất mát. Đôi khi những người già như ông nội tôi muốn “mát trong người” cũng thử đem rau đắng đất chấm nước cá kho, nhưng được vài đũa cũng đành… bỏ cuộc. Thế mà, kỳ diệu một điều, khi kết hợp với món cháo cá lóc, rau đắng không những không đắng mà còn có hậu ngọt rất đặc trưng. Vị của rau, của cá, của gạo hòa quyện vào nhau, rất thanh, rất dịu, và rất đặc biệt.


Tùy theo sở thích của mỗi người mà món Cháo cá lóc được nấu đơn giản hay công phu một chút. Nếu đơn giản, chỉ cần vo gạo xong, đổ nước vào, đun sôi. Cá lóc làm sạch, cắt phần đầu ra, phần thân róc xương, lấy thịt thái phi lê, ướp gia vị vừa ăn. Khi gạo bắt đầu nở, bỏ đầu và xương cá vào cho ngọt nước, nêm nếm gia vị là dùng được. Nếu thích công phu hơn, gạo vo xong để ráo nước, sao vàng rồi mới đổ nước vào đun sôi, lúc cháo chín, phi mỡ hành thật giòn rưới lên mặt cháo, nhìn rất bắt mắt.


Các bước chuẩn bị đều hoàn tất. Cá lóc phi lê đã thấm gia vị được cho vào tô với một ít hành lá xắt nhuyễn, cháo nóng hổi múc lưng tô, rắc một ít tiêu, sau đó cho rau đắng đã rửa sạch lên, vừa trộn đều là dùng ngay, như vậy mới giữ được chất của rau. Cháo nóng hổi vừa thổi vừa ăn, vị tiêu cay cay hòa với hơi nóng và vị ngọt của cháo, của cá, của rau, cứ tê tê trên đầu lưỡi tạo nên những tiếng hít hà sảng khoái, những giọt mồ hôi rịn đều khắp mặt, ta có cảm giác như khắp cơ thể mình đều bắt đầu chuyển động những cung bật vui tươi.



Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2014

Lẩu gà nòi hầm xả

Thị xã xứ dừa lên cấp thành phố, ruộng đồng đô thị hoá hết, muốn kiếm cua đồng chắc phải về tận miệt Giồng Trôm, Ba Tri. Còn nấm mối phải mưa đầu mùa mới có.
Bến Tre không phải là xứ có nhiều đặc sản, nhưng về gà đá thì có thể nói đây là một trong ba nôi gà độ nổi tiếng đất miền Tây: Chợ Lách, Cao Lãnh và Gò Công, cung cấp gà chiến cho các sới đá gà khắp đồng bằng, cả Sài Gòn và miền Đông Nam bộ. Những năm gần đây, nghe đâu gà nòi còn được xuất khẩu sang Campuchia, Thái Lan, Hong Kong, Mỹ, Úc... Nghề nuôi gà khấm khá, số hộ nuôi gà đá tăng vọt. Riêng một huyện Chợ Lách của Bến Tre, theo thống kê của ngành thú y, đã có hàng chục hộ nuôi gà đá bán công nghiệp với tổng số lượng đàn gà có lúc lên đến gần nửa triệu con. Phải chăng vì vậy mà gà “chiến” phong phú đến mức trở nên đặc sản trên bàn nhậu xứ dừa?

Từ cuối đường dẫn lên cầu Rạch Miễu đã lác đác những quán ăn có món lẩu gà đá. Rẻ hơn là vào những quán bình dân ở ngã ba Tân Thành. Nửa con gà chừng 100.000 đồng, bốn người đá vừa được. Câu ca dao “Gà nào hay bằng gà Cai Lậy, gái nào đẹp bằng gái Nha Mân” có lẽ đến lúc phải sửa lại, vì gà đá Bến Tre giờ đây hay nhất. Miếng thịt gà đúng lửa vừa dai vừa giòn vừa thấm đòn các thứ vị tẩm ướp. Khi miếng thịt vừa đúng độ dai dai giòn giòn mềm vừa nhai, thì nên vớt ra, lúc nào ăn đến thì trụng nóng lại. Nếu không tẩm ướp để ăn hầm, mà chỉ hầm nhừ bằng nước dừa, thì khi gà vừa mềm, cũng có thể xé phay, bóp gỏi và cho nó cục tác lá chanh, thì ngon không thua thịt rắn hổ hành bóp gỏi. Cái này thì phải gặp nhà quán chịu chơi họ mới làm theo yêu cầu của thực khách. Và cái thứ gà này dùng để đưa cay rượu Phú Lễ, một đặc sản lừng danh khác của Bến Tre thì cái ngon được nhân lên một nấc nữa. Nhưng phải là Phú Lễ thứ thiệt, vì bây giờ Phú Lễ dỏm đã lềnh khênh.