Nhắc đến con ba khía, hẳn nhiều người vẫn chưa hình dung ra cụ thể đó là con gì và ăn như thế nào. Tuy nhiên, đối với người dân vùng sông nước phương Nam thì con ba khía lại rất đỗi thân quen và mắm ba khía là món ăn thú vị nhất trong các bữa cơm gia đình.
Khoảng cuối tháng 5 Âm lịch hàng năm, cư dân những vùng có trồng nhiều rừng đước như Cà Mau, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang... lại đi vào mùa khai thác ba khía. Loài giáp xác này cách bắt duy nhất là soi đèn vào ban đêm và phải chụp bằng tay. Theo người dân Đồng bằng sông Cửu Long, con ba khía thích đào hang ở những khu rừng rậm rạp, gần mé sông hoặc bãi biển, hàng đêm bò ra rủ nhau đi kiếm ăn. Đặc biệt là mùa mưa, vào những đêm tối trời, con ba khía sống bu đen những gốc đước, gốc dừa nước nên người ta có thể tha hồ mà bắt về muối thành mắm để dành ăn quanh năm.
Ba khía sau khi bắt xong, người dân sẽ xóc rửa cho sạch bùn đất rồi đổ vào lu, khạp có nước muối và đậy nắp kín lại. Từ khi muối cho đến lúc ăn được có thể 5-10 ngày. Chất lượng của ba khía phụ thuộc độ mặn của nước muối, bởi nếu nhạt quá thì ba khía sẽ hư nhưng mặn quá sẽ rụng càng, đen da, chát thịt... Ba khía muối chính là món ăn ăn mà hầu như không một người dân nào ở miền sông nước nào không biết đến, đặc biệt đây còn được xem là món khoái khẩu của nhiều người.
Người sành ăn ba khía muối cho rằng, ba khía muối mang trộn với chanh, tỏi, ớt, đường rồi ăn với cơm nguội thì mới đậm đà và đúng điệu. Bạn có thể ngậm từng cái que nhỏ, cắn vỡ càng, nhón lấy miếng thịt mềm, dịu, chan nước trộn ba khía mặn, ngọt, chua, cay vào cơm, rồi ăn trong lúc trời mưa thì quả là không gì có thể sánh bằng.
Ngày nay, nhiều nhà hàng, quán ăn đã biến tấu con ba khía thành nhiều món theo những cách riêng như ba khía rang me, rang mỡ hành, ba khía luộc, ba khía nấu chao…, nhưng chưa có thứ hương vị nào đi vào lòng người và rất đỗi thân quen với người dân miệt vườn như món ba khía muối. Chính mùi thơm đặc trưng cùng cái chất mằn mặn và beo béo của gạch ba khía thấm vào đầu lưỡi đã tạo nên một cảm giác thú vị khó tả, khó quên trong lòng mỗi người.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét