Văn Hóa Ẩm Thực Của Người Miền Tây

Ẩm thực là tiếng dùng khái quát nói về việc ăn và uống. Văn hóa ẩm thực bao gồm cả cách chế biến, bày biện và thưởng thức từng món ăn, thức uống, từ đơn giản, đạm bạc đến cầu kỳ mỹ vị. Chung nhất là vậy, song khi nói đến văn hóa ẩm thực ở một vùng/miền nào đó thì nhất thiết phải nói lên “đặc điểm tình hình” mới có thể nêu được bản sắc văn hóa đặc trưng cụ thể của vùng/miền ấy. Ở Nam Bộ nói chung và miền Tây nói riêng đâu đâu cũng đất rộng sông dài, nơi nào cũng kinh rạch chằng chịt lại lắm lung, hồ, búng, láng…, không nơi nào không nhung nhúc cá, tôm, rắn, cua, rùa, ếch… đã vậy còn có cả rừng già, rừng thưa, đầy dẫy chim muông, thú to, thú nhỏ. Phía này thì “năm non bảy núi” trập trùng, không biết cơ man nào là “sơn hào”, còn phía nọ thì biển Đông, biển Tây, toàn là “hải vị”!

Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2014

Lẩu gà nòi hầm xả

Thị xã xứ dừa lên cấp thành phố, ruộng đồng đô thị hoá hết, muốn kiếm cua đồng chắc phải về tận miệt Giồng Trôm, Ba Tri. Còn nấm mối phải mưa đầu mùa mới có.
Bến Tre không phải là xứ có nhiều đặc sản, nhưng về gà đá thì có thể nói đây là một trong ba nôi gà độ nổi tiếng đất miền Tây: Chợ Lách, Cao Lãnh và Gò Công, cung cấp gà chiến cho các sới đá gà khắp đồng bằng, cả Sài Gòn và miền Đông Nam bộ. Những năm gần đây, nghe đâu gà nòi còn được xuất khẩu sang Campuchia, Thái Lan, Hong Kong, Mỹ, Úc... Nghề nuôi gà khấm khá, số hộ nuôi gà đá tăng vọt. Riêng một huyện Chợ Lách của Bến Tre, theo thống kê của ngành thú y, đã có hàng chục hộ nuôi gà đá bán công nghiệp với tổng số lượng đàn gà có lúc lên đến gần nửa triệu con. Phải chăng vì vậy mà gà “chiến” phong phú đến mức trở nên đặc sản trên bàn nhậu xứ dừa?

Từ cuối đường dẫn lên cầu Rạch Miễu đã lác đác những quán ăn có món lẩu gà đá. Rẻ hơn là vào những quán bình dân ở ngã ba Tân Thành. Nửa con gà chừng 100.000 đồng, bốn người đá vừa được. Câu ca dao “Gà nào hay bằng gà Cai Lậy, gái nào đẹp bằng gái Nha Mân” có lẽ đến lúc phải sửa lại, vì gà đá Bến Tre giờ đây hay nhất. Miếng thịt gà đúng lửa vừa dai vừa giòn vừa thấm đòn các thứ vị tẩm ướp. Khi miếng thịt vừa đúng độ dai dai giòn giòn mềm vừa nhai, thì nên vớt ra, lúc nào ăn đến thì trụng nóng lại. Nếu không tẩm ướp để ăn hầm, mà chỉ hầm nhừ bằng nước dừa, thì khi gà vừa mềm, cũng có thể xé phay, bóp gỏi và cho nó cục tác lá chanh, thì ngon không thua thịt rắn hổ hành bóp gỏi. Cái này thì phải gặp nhà quán chịu chơi họ mới làm theo yêu cầu của thực khách. Và cái thứ gà này dùng để đưa cay rượu Phú Lễ, một đặc sản lừng danh khác của Bến Tre thì cái ngon được nhân lên một nấc nữa. Nhưng phải là Phú Lễ thứ thiệt, vì bây giờ Phú Lễ dỏm đã lềnh khênh.


1 nhận xét:

Khoa Nguyen nói...

MÓn này nhậu với rượu đế là hết xẩy