Như một quy luật đất trời, khi nước lũ ngập mấp mé thềm nhà, mấy bụi điên điển cặp hai bờ sông trổ bông vàng rực rỡ, cũng là lúc mùa cá linh về đến.
Hồi bà ngoại tôi còn sống, ngoại hay nói: “Ông trời thương dân nghèo, lũ lụt kéo về, không mần ăn gì được, ổng ban cho con cá linh, cái bông điên điển để quấy quá qua ngày…”
Lúc nhỏ, chiều chiều tôi hay lót tót theo chân ngoại, cắp cái rổ tre ra bờ sông, nơi có chiếc ghe của ông Hai Vạn đóng đáy chơi vơi giữa dòng, “hú” một cái, ông bơi xuồng con, mang cá linh vào tận bờ bán. Những con cá linh lấp lánh ánh bạc, nhảy soi sói, vừa được kéo lên, nằm chen chúc nhau trong một cái thau xâm xấp nước. Dân miền Tây sống tình nghĩa và hào phóng, cá lại nhiều vô kể nên ông Hai không bao giờ cân mà chỉ nhắm chừng, hốt mớ bán, vừa bán vừa cho.
Nếu chết, cá linh rất mau sình. Vì vậy, ngoại tôi tranh thủ ngồi ngay bờ sông, dùng tay móc hầu cá luôn. Trên đường về, sẵn tiện tấp vào mấy bụi điên điển, hái bông về nấu canh chua. Mùa này, màu xanh mơn mởn của lá điên điển nhường cho một màu vàng hoe của củ nghệ… Bông xâu chuỗi từng chùm, từng chùm… Tôi rất thích cái cảm giác chui vàobụi điên điển, hít thật sâu, tận hưởng trọn vẹn mùi hương nhè nhẹ, không lẫn lộn và không so sánh được với bất kỳ loài hoa nào được, mang hơi hướm hương đồng gió nội rất đặc trưng. Thỉnh thoảng có vài con cào cào nhảy ra, tôi nhanh tay bắt về làm “tù binh”, chơi vui suốt mấy ngày ròng.
Cá linh nấu canh chua bông điên điển cùng cơm mẻ còn gì bằng. Vị nhân nhẫn đăng đắng, ngòn ngọt của bông, béo ngậy của cá, vị chua đậm đà của cơm mẻ, cay cay của ớt, mùi thơm của ngò gai… hợp thành tô canh chua, rất đặc trưng của vùng sông nước Nam Bộ. Ngoài ra, cá linh còn có thể kho lạt, nêm thật nhiều hành, chấm kèm chuối chát, ăn với cơm nguội, gây một cảm giác ngây ngất không kém.
Cá linh đầu mùa lũ, gọi là cá linh non, thịt mềm, béo ngậy, có thể ăn cả xương. Cầm đôi đũa tre, gắp con cá linh khỏi tô canh chua đủ sắc vàng, xanh, đỏ…chấm vào dĩa nước mắm đồng dầm ớt hiểm, đưa lên miệng, mới thấm thía hết hương vị quê nhà. Nước mắm đồng cũng được ủ từ mùa cá linh trước. Những lúc đó, tôi có thể ăn cơm hết chén này đến chén khác, đến no căng bụng mới thôi.
Trong những buổi chiều chạng vạng, dưới ánh đèn dầu nhập nhoạng, cả nhà quây quần bên mâm cơm, trên bộ ván ngựa lên nước bóng lưỡng. Trong bữa ăn, ông ngoại tôi có thói quen nhâm nhi thêm một xị rượu đế. Ông ngoại tôi rất thích món canh chua bông điên điển, vì vậy ông hay uống rượu nhiều hơn mọi ngày. Uống ngà ngà say, thế nào ông cũng lấy hơi ca vài câu vọng cổ. Trước khi ca, ông luôn nói câu: “Ngày xưa tao nghèo, bà ngoại bây mê giọng ca của tao nên mới chịu cho cưới…”. Bà ngoại sượng sùng, cười móm mém: “Mắc dịch ông! Nói cho tụi nhỏ nghe để nó cười cho…”. Giọng ca ông trầm buồn như chính cuộc đời nhiều sóng gió của ông, hoà cùng tiếng côn trùng đã bắt đầu nỉ non ngoài hè, gây cho tôi một cảm giác xao xuyến, bình yên đến tận đáy lòng.
Sống ở Sài Gòn quanh năm, lâu lâu về thăm quê, những cảnh tôi vừa kể chỉ còn trong ký ức. Ánh đèn điện đã thay ánh đèn dầu, rượng đáy của ông Hai Vạn cũng không còn nữa, chỉ còn những áng lục bình trổ bông tím ngắt trôi lững lờ trên dòng sông xưa cũ. Cá linh bị đánh bắt nhiều quá, lũ lại không về, bây giờ đã khan hiếm, trở thành món đặc sản của các nhà hàng đắt đỏ. Những bụi điên điển gợi nhớ mấy con cào cào màu xanh đọt chuối, gắn liền tuổi thơ của tôi cũng đã bị người ta đốn bỏ. Ông bà ngoại của tôi cũng không còn nữa… Nhiều lúc them cảm giác được leo lên chót vót của ụ rơm, lộn nhào xuống như hồi trẻ thơ, để nhớ về một thời đầy ắp kỷ niệm.